Windows Server 2019 được phát triển dựa trên nền tảng của Windows Server 2016 – phiên bản được xem là được người dùng tiếp cận và tiếp nhận nhanh nhất từ trước tới nay. Microsoft được cho là đã tích cực trong việc tiếp nhận các phản hồi từ phía khách hàng ở phiên bản Windows Server 2016 và từ đó phát triển để cho ra phiên bản Windows Server 2019 ngày càng tuyệt vời hơn.

Microsoft đã dành nhiều thời gian làm việc với các khách hàng để nhận biết và hiểu các thách thức mới trong tương lai và nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp 4.0. Có 4 chủ đề chính cần quan tâm là Hybrid, Security, Application Platform, và Hyper-converged Infrastructure. Và Microsoft đã đem tới nhiều đổi mới trong phiên bản Windows Server 2019 này.

Những kịch bản Hybrid cloud:

Microsoft đã thực hiện một hành trình kết hợp giữa môi trường mạng vật lý hiện tại và môi trường đám mây làm việc cùng nhau. Việc mở rộng Active Directory, đồng bộ hóa các File Server, và sao lưu trong trong dịch vụ đám mây là những minh chứng về những gì khách hàng của Microsoft đang làm ngày hôm nay để mở rộng trung tâm dữ liệu của họ sang dịch vụ đám mây công cộng. Ngoài ra, việc kết hợp này cũng cho phép các ứng dụng chạy tại chỗ tận dụng các thế mạnh của sự đổi mới trong dịch vụ đám mây như trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) và IoT (Internet of Things).

Một trong những mục tiêu của Microsoft với dự án Honolulu là làm cho việc kết nối các triển khai Windows Server với các dịch vụ Azure trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Với Windows Server 2019 và dự án Honolulu, khách hàng sẽ có thể dễ dàng tích hợp các dịch vụ Azure như Azure Backup, Azure File Sync, khắc phục thảm họa và nhiều hơn nữa để họ có thể tận dụng các dịch vụ Azure này mà không làm gián đoạn các ứng dụng và cơ sở hạ tầng của mình.

Bảo mật (Security):

Bảo mật vẫn tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của hãng Microsoft vì số lượng các sự cố an ninh mạng liên tục gia tăng và tác động của những sự cố này đang leo thang nhanh chóng. Theo một nghiên cứu khảo sát của Microsoft cho thấy, trung bình những kẻ tấn công chỉ mất khoảng 24-48 tiếng để xâm nhập vào hệ thống từ lúc tiến hành lây nhiễm từ máy tính đầu tiên. Ngoài ra, những kẻ xâm nhập có thể ở lại trong môi trường của nạn nhân mà không bị phát hiện trung bình tới 99 ngày (theo báo cáo của FireEye/Mandiant). Microsoft vẫn luôn tìm cách hỗ trợ các khách hàng của mình cải thiện các yếu tố bảo mật bằng cách liên kết với các hệ thống trung tâm dữ liệu quy mô toàn cầu như Microsoft Azure, Office 365, và một số các dịch vụ trực tuyến khác.

Microsoft tiếp cận vấn đề bảo mật với 3 thành phần chính: Bảo vệ (Protect), Phát hiện (Detect), và Phản hồi (Respond) và hệ điều hành Windows Server 2019 mang tới các tính năng bảo mật dựa trên 3 thành phần trên.

Thành phần Bảo vệ (Protect):

Microsoft giới thiệu các máy ảo đã được gia cố bảo mật (Shielded VMs) trong phiên bản Windows Server 2016 và đã được các khách hàng ưa chuộng vào nhiệt tình tiếp nhận. Các máy ảo đã được gia cố bảo mật giúp bảo vệ các máy ảo khỏi các hành vi xâm hại từ các quản trị viên hệ thống (Administrators) mà chỉ có các quản trị viên trên máy ảo (VM Admins) mới được phép truy cập, kiểm tra hệ thống và xác thực. Trong phiên bản mới Windows Server 2019, các máy ảo đã được gia cố bảo mật (Shielded VMs) sẽ hỗ trợ các máy ảo Linux. Microsoft cũng đang mở rộng VMConnect để cải thiện việc khắc phục sự cố của VM được bảo vệ cho Windows Server và Linux. Ngoài ra, Microsoft cũng đang thêm vào các mạng được mã hóa (Encrypted Networks), điều này sẽ giúp các quản trị viên mã hóa các phân đoạn mạng của mình trong việc truyền dữ liệu giữa các máy chủ.

Về phương diện Phát hiện (Detect) và Phản hồi (Respond), trong Windows Server 2019, Microsoft đã tích hợp Windows Defender Advanced Threat Protection (ATP) cung cấp khả năng phát hiện ngăn chặn các cuộc tấn công và khai thác các lỗi zero-day cho hệ điều hành.

Thành phần Nền tảng ứng dụng (Application Platform):

Một nguyên tắc hướng dẫn quan trọng đối với Microsoft là tập trung không ngừng vào trải nghiệm của nhà phát triển. Hai khía cạnh quan trọng để kêu gọi cộng đồng các nhà phát triển là các cải tiến đối với thành phần trong Windows Server và hệ thống con Windows (Windows Subsystem) trên Linux (WSL).

Từ khi Microsoft giới thiệu các khái niệm thành phần (Containers) trong Windows Server 2016, hàng chục triệu bản image của các Container đã được tải xuống từ Docker Hub. Điều này đã nhận được những phản hồi tích cực trong việc cải thiện kích thước của image container từ các nhà phát triển và các chuyên gia CNTT trong quá trình sử dụng. Trong Windows Server 2019, mục tiêu của Microsoft là giảm kích cỡ của các Container chứa nền tảng Server Core xuống còn 1/3 kích thước hiện tại là 5GB. Điều này sẽ giúp giảm 72% thời gian tải xuống của các image giúp tối ưu hóa hơn nữa thời gian phát triển và hiệu năng hoạt động.

Trong Windows Server 2019, Microsoft tiếp tục hành trình cải thiện WSL, giúp người dùng Linux mang các tập lệnh của họ đến Windows sử dụng các tiêu chuẩn của công nghiệp như OpenSSH, Curl & Tar

Cơ sở hạ tầng siêu hội tụ (Hyper-converged infrastructure – HCI): HCI là một trong những xu hướng mới nhất trong ngành công nghiệp máy chủ hiện nay. Theo IDC, thị trường HCI đã tăng 64% trong năm 2016 và Gartner cho biết đây sẽ là thị trường trị giá 5 tỷ USD vào năm 2019. Xu hướng này chủ yếu là do khách hàng hiểu giá trị của việc sử dụng máy chủ x86 với các đĩa cục bộ hiệu suất cao để chạy các nhu cầu tính toán và lưu trữ của họ cùng một lúc. Ngoài ra, HCI cho phép linh hoạt dễ dàng mở rộng quy mô triển khai như vậy.

Những khách hàng đang tìm kiếm giải pháp HCI có thể sử dụng Windows Server 2016 và chương trình Windows Server Software Defined ngay hôm nay. Microsoft đã hợp tác với các nhà cung cấp phần cứng hàng đầu trong ngành để cung cấp giải pháp HCI giá cả phải chăng và cực kỳ mạnh mẽ với thiết kế được công nhận. Trong Windows Server 2019, Microsoft đang xây dựng trên nền tảng này bằng cách thêm quy mô, hiệu suất và độ tin cậy. Họ cũng đang thêm khả năng quản lý việc triển khai HCI trong Dự án Honolulu, để đơn giản hóa việc quản lý và các hoạt động hàng ngày trên môi trường HCI.

Cuối cùng, khách hàng chạy Window Server sử dụng System Center sẽ rất hào hứng khi biết rằng System Center 2019 sắp ra mắt và sẽ hỗ trợ Windows Server 2019.

Bigguy

(Theo Microsoft Windows Server Team)